Thành môn với Phong thủy địa lý luôn giữa một vị trí rất quan trọng, dù chúng ta nghiên cứu về bất kỳ trường phái Phong thủy nào. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều bạn xác định phương vị Thành môn từ tâm cổng ngôi nhà. Đây là một quan điểm khá là khác biệt so với trước đây. Trong bài viết nhỏ này chúng ta cùng phân tích một khía cạnh nhỏ của Thành môn trong ứng dụng thực tế để xem xét cách thức chúng ta định phương vị như thế nào.
THÀNH MÔN LÀ MỘT YẾU TỐ BÊN NGOÀI CĂN NHÀ.
- Theo định nghĩa thì Thành môn là khái niệm chỉ các nới giao nhau giữa các con sông (ngã ba sông) hay theo kiến trúc của khu vực, đô thị thì đó là ngã ba, ngã tư đường. Rõ ràng đây là yếu tố khách quan, không phụ thuộc vào kiến trúc của các căn nhà xung. Nghĩa là nó ở vị trí nào so với phương vị của căn nhà là theo kiến trúc tổng của từng khu vực, không phải phụ thuộc vào ông chủ nhà mở cái cổng chính ở vị trí nào.
- Sự tác động của Thành môn, xét ở khía cạnh tổng thể thì trường khí của nó sẽ tác động tới khu vực xung quanh theo mức độ mạnh hay yếu theo phạm vi kiến trúc. Càng ở gần rõ ràng sự tác động tới phương vị cát hung của ngôi nhà càng lớn. Và đương nhiên nó chỉ tác động tới khu vực mà có nhà ở, có người sinh sống thì khi đó chúng ta mới đo lượng được tính vượng suy.
- Vì Thành môn nằm ở bên ngoài nên trường khí tác động tới ngôi nhà luôn được xem là ngoại khí. Do vậy yếu tố đại cục sẽ bị chi phối nhiều hơn nhiều hơn là tiểu cục. Đại cục có thể là một khu vực rộng lớn như làng mạc, thành phố, thị trấn. Còn tiểu cục có thể là một khu dân cư, một căn nhà độc lập…Do vậy mà nó sẽ ảnh hưởng nhiều nhất tới vùng khí lưu động của căn nhà thay vì cố định như tâm nhà. Khái niệm này sẽ được giải thích ở phần bên dưới.
THÀNH MÔN THUỘC VỀ NGOẠI LOAN ĐẦU.
- Thành môn thuộc về ngoại loan đầu nên các bạn sẽ thấy rất rõ sự tác động của nó trong những khu vực được kiến trúc cao cấp, rộng lớn và khép kín, nơi thường được các chủ đầu tư đặt vào khu vực kết nối với giao lộ, tạo nên sự lưu thông rất thuận tiện. Lúc này giao lộ bên ngoài đóng vai trò như một Thành môn rộng lớn sẽ ảnh hưởng tơi toàn khu vực, còn bên trong nơi có sự giao thoa của các con đường nội bộ sẽ đóng vai trò là những Thành môn nhỏ hơn, có tác dụng kết nối trường khí tới từng căn hộ.
- Trong các trường hợp này chúng ta có thể thấy sự tác động của Thành môn là khách quan, tuy nhiên khi bố cục kiến trúc thì người ta thường thiết kế sao cho Thành môn ở phía trước khu vực hay căn nhà, điều này tránh hiện tượng nghịch khí chứ không hẳn là vì phương vị của nó so với cổng như theo cách tính của nhiều người. Đây cũng là một lưu ý khi chung ta lựa chọn căn nhà trong một khu quy hoạch.
- Khí Thành môn luôn được xem là ngoại khí, đương nhiên để ngoại khí tác động vào tới căn nhà thì cần sự dẫn thông từ con đường và nạp vào ngôi nhà của chúng ta thông qua cổng và cửa chính (khí khẩu). Hơn nữa trong bộ môn Huyền không đại quái người ta tuy có dùng cửa chính để định tâm đối với thủy khẩu, nhưng đây là cách tính có phần đặc trưng của bô môn này vì nó liên quan tới khái niệm tọa hướng của ngôi dương cơ. Có thể chính điều này dẫn tới một số quan điểm tính phương vị thành môn theo tâm của cổng.
VÙNG KHÍ LƯU ĐỘNG TRONG THÀNH MÔN.
Nói một chút về khái niệm vùng khí lưu động, đây là khái niệm khá mới nhưng lại có tính ứng dụng nhiều trong lý luận cũng như phương pháp thực hành trong bộ môn này.
- Khái niệm này thực tế chúng ta đều hiểu và vận dụng thường xuyên nhưng lại ít khi để ý tới. Đây là vùng khí ít phụ thuộc vào kiến trúc mà bị chi phối bởi yếu tố nhân khí nhiều hơn. Ví dụ như trong một khu dân cư được quy hoạch khép kín thì vùng khí lưu động của toàn khu sẽ bao gồm nhà ở, đường xa, bể bơi, các khu vực sinh hoạt cộng đồng.
- Còn trong các căn hộ thì sẽ là khu vực có mật độ sử dụng cao nhất của từng gia đình. Các bạn có thể áp dụng khái niệm này để tìm lời giải cho việc xác định phần diện tích cần phải định tâm cho những căn nhà bao gồm khu vực hành lang hay mái che.
- Trong nghiên cứu và ứng dụng Phong thủy thì mỗi người thường có xu hướng tự tìm lấy cho mình một quan điểm và cách thức riêng, tuy nhiên dù theo phương thức nào đi chăng nữa thì cũng cần có sự đồng bộ, nhất quán và khóa học thì sự ứng dụng vào thực tế mới mang lại nhiều hiệu quả. Và tốt nhất là chúng ta nên học theo những quan điểm mà đại đa số những người đi trước đã và đang áp dụng, tránh sự duy ý chí và bảo thủ sẽ rất không tốt cho việc nghiên cứu sâu hơn về bộ môn này.
” Mỗi kiến thức mới luôn mở ra một góc nhìn mới, giúp chúng ta hiểu hơn những điều chưa biết, rõ hơn những điều chưa thấu. Chân pháp của học thuật luôn nằm ở sự đơn giản mà diệu dụng. Hy vọng các bạn có thể lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích từ lớp học để có thể ứng dụng vào trong cuộc sống của mỗi chúng ta”.

Master NGUYỄN DŨNG
CEO & FOUDEER PHONG THỦY GIA NGUYỄN